Khác với trẻ em và người trưởng thành, cơ thể của trẻ sơ sinh còn quá non yếu nên bé chưa thể tự chọn cho mình một tư thế ngủ phù hợp, thoải mái và dễ chịu. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng có tốt không? Có gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ không? Cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn cho trẻ khi nằm nghiêng?
Vai trò của tư thế ngủ an toàn dành cho trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng như một nguồn dưỡng chất thiết yếu hàng ngày của trẻ, là điều kiện cần để trẻ phát triển một cách toàn diện về cả thể chất và tinh thần. Trung bình mỗi ngày trẻ sơ sinh sẽ dành khoảng 16-18 tiếng để ngủ, bao gồm cả ban ngày và ban đêm. (1)
Do đó, việc lựa chọn tư thế ngủ phù hợp và khoa học sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái, ngủ ngon và ngủ sâu hơn. Hơn nữa, khi ngủ đúng tư thế, cơ thể và não bộ của trẻ được phát triển một cách toàn diện, tránh được các hội chứng nguy hiểm như hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Theo một thống kê ở Mỹ, có hơn 80% trường hợp tử vong bất ngờ ở trẻ sơ sinh do mắc phải hội chứng này.
Trẻ sơ sinh nằm nghiêng có tốt không?
Theo khuyến nghị của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), tư thế ngủ nằm nghiêng là một tư thế ngủ KHÔNG an toàn cho trẻ sơ sinh và gần như không mang lại lợi ích gì cho trẻ.
1. Lầm tưởng về lợi ích khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng
Hiện nay, “trẻ sơ sinh nằm nghiêng có tốt không?” vẫn luôn là một vấn đề gây ra nhiều lầm tưởng cho các bậc phụ huynh, cụ thể như sau:
1.1. Lầm tưởng: Trẻ sơ sinh nằm nghiêng giúp hạn chế tình trạng nôn trở.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), trẻ sơ sinh nằm nghiêng KHÔNG có tác dụng ngăn ngừa nôn trớ. Đồng thời, một số nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng chỉ có tư thế nằm ngửa khi ngủ mới có thể giúp trẻ hạn chế tình trạng này.
1.2. Lầm tưởng: Trẻ sơ sinh nằm nghiêng giúp giảm áp lực lên tim.
Nhiều bố mẹ cho rằng tư thế nằm nghiêng sẽ giúp tránh được áp lực lên tim cho trẻ sơ sinh. Hơn nữa, khi trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, việc nằm nghiêng sẽ giúp mũi thông thoáng và trẻ dễ thở hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn CHƯA CÓ bất kỳ bằng chứng nào chứng minh những tác dụng này của tư thế nằm nghiêng khi ngủ ở trẻ sơ sinh.

2. Có nên cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng?
Theo chia sẻ của BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh – Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, trẻ sơ sinh nằm nghiêng hầu như không mang đến lợi ích gì cho trẻ mà còn làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Trong một số trường hợp, nếu bố mẹ không chú ý, trẻ có thể bị lật nằm sấp xuống khi đang ngủ trong tư thế nằm nghiêng, dẫn đến SIDS. Do đó, bố mẹ không nên cho trẻ ngủ trong tư thế này một cách thường xuyên, nhất là khi trẻ ngủ lâu, ngủ sâu giấc.
Một số ảnh hưởng không tốt khác của tư thế ngủ nằm nghiêng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh:
- Chứng đổi màu da: Tư thế nằm nghiêng khiến trọng lực của cơ thể trẻ đổ dồn về một phía, ảnh hưởng đến việc lưu thông máu trong các mạch máu dẫn đến tình trạng tích tụ các tế bào hồng cầu gần da. Hội chứng này xuất hiện khi trẻ ngủ trong tư thế nằm nghiêng trong nhiều giờ với biểu hiện rõ ràng về màu sắc của 2 phần cơ thể (da chuyển màu đỏ/ hồng ở phần thân người trẻ nằm nghiêng và màu da bình thường ở phần còn lại).
- Hội chứng đầu bẹt: Xương sọ của trẻ sơ sinh còn khá mềm và còn trong giai đoạn phát triển, mở rộng, nên việc nằm ngủ kéo dài trong một tư thế sẽ gây áp lực liên tục tại một điểm của hộp sọ, từ đó khiến xương sọ bị lõm. Tình trạng này sẽ hạn chế sự phát triển của não bộ khiến trẻ chậm phát triển.
- Tật vẹo cổ: Khi trẻ nằm nghiêng sang một bên thường xuyên, trẻ có thể gặp phải sự phát triển bất thường của xương và cơ dẫn đến tình trạng vẹo cổ, trẻ có khuynh hướng nghiêng đầu qua một bên và xoay mặt qua bên còn lại.
- Nghẹt thở: Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ khiến đường thở không được thông thoáng gây khó thở và trẻ dễ chuyển qua nằm sấp gây ngạt thở.
Các tư thế nằm ngủ khác cho trẻ sơ sinh?
Mỗi tư thế nằm đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định đối với sự phát triển của trẻ. Dưới đây là một số tư thế nằm ngủ cho trẻ sơ sinh thường gặp:
1. Trẻ sơ sinh ngủ nằm ngửa
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, tư thế nằm ngủ an toàn nhất cho trẻ nhũ nhi (trẻ từ 1 tuổi trở xuống) là nằm ngửa trên mặt phẳng tương đối cứng để tránh nguy cơ đột tử kể cả những trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản. Trẻ nằm ngửa không nôn ói nhiều hơn khi nằm ở các tư thế khác. Hơn nữa, khi trẻ nằm ngửa, các cơ quan như tim, hệ tiêu hóa sẽ được duy trì trong trạng thái thoải mái, không bị chèn ép. Lúc này việc vận động tay chân của trẻ trở nên dễ dàng hơn, giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Cho nên khi trẻ lăn và nằm sấp khi ngủ thì nên đặt trẻ nằm ngửa lại. Tuy nhiên, khi trẻ thức có thể xen kẽ cho trẻ nằm sấp, nghiêng phải và nghiêng trái để tránh đầu bẹp do nằm ngửa quá nhiều.

2. Trẻ sơ sinh ngủ nằm sấp
Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh KHÔNG NÊN cho trẻ ngủ khi nằm sấp. Ở tư thế này có thể khiến trẻ úp mặt xuống gối/nệm, và khi bố mẹ không chú ý, trẻ không thể tự lật trở mình được, dẫn đến nghẹt thở, tử vong (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh). Tuy nhiên, ở tư thế nằm sấp, ngực và phổi của trẻ được thúc đẩy phát triển nhanh chóng, cải thiện dung tích phổi thích hợp khi trẻ bị suy hô hấp nhưng cần được theo dõi 24/24. Hơn nữa, các cơ ở vùng cổ và lưng của trẻ được luyện tập, trở nên khỏe khoắn hơn, tránh được tình trạng bẹp đầu ở trẻ sơ sinh.
Theo BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, trẻ sinh non có vấn đề về hô hấp thường được đặt nằm sấp để giúp trẻ thở dễ hơn. Trong thời gian trẻ nằm viện luôn được nhân viên y tế theo dõi 24/24 nên đảm bảo an toàn cho trẻ. Các trẻ này trước khi xuất viện đều phải được tập cho trẻ nằm ngửa khi ngủ để trẻ quen dần. Nếu có 1 số trẻ sơ sinh khó ngủ khi nằm ngửa thì có thể đặt trẻ nằm ở tư thế nào trẻ dễ ngủ nhất nhưng phải đảm bảo có người lớn quan sát trẻ thường xuyên để tránh nguy cơ ngạt thở.
Do đó, bố mẹ có thể cho trẻ nằm trong tư thế nằm sấp khi trẻ thức với tần suất khoảng 3 lần/ngày, 10-15 phút/lần. Lưu ý, khi cho trẻ nằm trong tư thế này, bố mẹ cần dõi theo cẩn thận nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
Lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh
Để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh, giúp trẻ có một giấc ngủ ngon, sâu giấc và phát triển một cách toàn diện, bố mẹ nên chú ý một số lưu ý dưới đây:
- Nếu trẻ ngủ trong cũi, cũi cần được dọn sạch, không đặt đồ chơi, chăn gối hay đệm trong khu vực ngủ của trẻ.
- Trẻ sơ sinh có sức khỏe còn non yếu nên các thành viên trong gian đình hoặc người đến chơi không được hút thuốc ở các khu vực xung quanh trẻ.
- Không đắp quá nhiều chăn hay dùng chăn có trọng lượng nặng đắp cho trẻ bởi điều này có thể khiến trẻ cảm thấy quá nóng, khó thở.
- Cho trẻ mặc quần áo/tã khô thoáng, có độ thấm hút tốt.
- Điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng phòng thích hợp, không quá sáng, không quá nóng và không quá lạnh.
- Quấn trẻ khi ngủ: Quấn khăn giúp trẻ vẫn còn cảm giác được bao bọc như lúc còn trong tử cung, làm cho trẻ luôn cảm thấy an toàn, tránh cho trẻ sơ sinh bị giật mình khi ngủ hay phản xạ Moro. Nghiên cứu cho thấy trẻ được quấn khăn ít thức giấc trong giấc ngủ im lặng và giấc ngủ hoạt động kéo dài hơn. Tuy nhiên, cần phải biết quấn trẻ đúng cách để tránh trẻ ngạt thở, loạn sản khớp háng và nóng quá mức.
- Nếu trẻ đã bắt đầu có thể di chuyển, lăn qua lăn lại, mẹ nên ngừng quấn khăn cho trẻ.
- Bố mẹ nên ngủ cùng phòng với trẻ để dễ dàng theo dõi và hỗ trợ trẻ khi cần thiết nhưng không nên ngủ chung giường.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Sơ Sinh, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Với những thông tin trên, hy vọng quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về vấn đề “trẻ sơ sinh nằm nghiêng có tốt không?”. Thay vì cho trẻ nằm nghiêng, bố mẹ nên cho trẻ ngủ trong tư thế nằm ngửa để cơ thể trẻ phát triển một cách toàn diện. Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ về một số tư thế nằm khác, cách thực hiện và kết hợp chúng để ngăn ngừa tình trạng bẹp đầu ở trẻ sơ sinh.